Theo các bậc cha ông đời trước, mỗi khi nói về nguồn gốc dòng họ thì có một số chuyện có thật nhưng không được..."> Theo các bậc cha ông đời trước, mỗi khi nói về nguồn gốc dòng họ thì có một số chuyện có thật nhưng không được..."> Theo các bậc cha ông đời trước, mỗi khi nói về nguồn gốc dòng họ thì có một số chuyện có thật nhưng không được...">

NHỮNG SỰ TÍCH ĐƯỢC TRUYỀN MIỆNG QUA CÁC ĐỜI

2025-02-09 13:08:00

Theo các bậc cha ông đời trước, mỗi khi nói về nguồn gốc dòng họ thì có một số chuyện có thật nhưng không được ghi trong gia phả. Những câu chuyện này được cả hai nơi là các ngảnh đại tôn ở Hà Tĩnh và ngảnh họ ở Xuân Tín ghi nhận như sau:

1. Chuyện về Ông Đắc - Cụ tổ đời 3

Sau khi ra làm quan ở phủ Chúa thời Lê - Trịnh, đóng đô ở Yên Trường, xã Thọ Lập ngày nay, cụ Đắc lấy bà hai, người làng Yên Chung, tên là bà Lê Thị Đức. Hai người sinh được một con trai đời thứ 4, tên là Quang Khải.

Có lần, cụ Đắc về Mộc Hải thăm lại vợ con ở quê nhà và ngỏ ý muốn rước bà cả cùng các con ra Thanh Hóa, nhưng bà cả không đồng ý. Trên đường quay lại Thanh Hóa, khi đến sông Cầu Trùa phía Bắc Mộc Hải, con trai cụ hỏi: "Khi nào cha về?" Cụ Đắc bèn ném một hòn đá xuống sông và nói: "Khi nào đá nổi lên thì cha về." Sau đó, cụ tiếp tục hành trình và về già mất ở Xuân Tín vào ngày 14 tháng 8 (không rõ năm nào).

2. Chuyện về việc bốc mộ không thành

Vào khoảng năm 1935, các ngảnh họ đại tôn trong Hà Tĩnh tổ chức một đoàn ra Xuân Tín, Thanh Hóa, với ý định bí mật bốc mộ cụ Đắc (cụ tổ đời 3) về quê Hà Tĩnh. Đoàn trọ lại tại làng Phú Xá, xã Xuân Lập để chuẩn bị kế hoạch. Tuy nhiên, một bà con gái họ Trần Danh LC ở Phú Xá biết được và lên Xuân Tín báo tin.

Nhờ đó, anh em trong họ ở Xuân Tín kịp thời đề phòng, canh gác nghiêm ngặt, khiến kế hoạch bị bại lộ và không thành công. Sau sự việc này, ngảnh họ đại tôn không còn có ý định tiếp tục bốc mộ cụ Đắc về Hà Tĩnh nữa. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên dần ít qua lại và kéo dài một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân.

3. Chuyện về cụ tổ Trần Danh Văn - Đời 6 (tức Cố Nho)

Cụ Trần Danh Văn - đời 6, đậu tú tài, nguyên là cựu nho sinh thời Lê - Mạc. Gặp lúc nhà Lê suy yếu, nhà Trịnh mất quyền, cụ rời quê hương Yên Trường và đi về miền biển Hậu Lộc.

Tình cờ, khi dừng chân tại một quán nước ven đường, cụ trò chuyện với bà chủ quán và tiết lộ mình biết nghề dạy học. Bà chủ quán mời cụ về dạy chữ cho con. Một lần, vào ngày giỗ bố mẹ, cụ xin phép bà chủ quán lập bàn thờ để cúng. Trùng hợp, nhà bà chủ cũng có giỗ cùng ngày và nhờ cụ cúng giúp. Khi mở bản thảo bài cúng ra, cả hai phát hiện bài văn cúng của cụ và bà chủ quán giống hệt nhau. Nhờ vậy, hai người mới nhận ra họ là chị em ruột.

Về sau, bà chị lo liệu cưới vợ cho em trai, là bà Dương Thị Giang, người làng Y Vích, huyện Hậu Lộc. Ông bà sinh được sáu người con (năm trai, một gái). Người con gái từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi không nói được, nhưng bỗng một ngày cất tiếng nói: "Bố mẹ muốn có tổ tiên phù hộ thì hãy trở về quê cha đất tổ mà sinh sống." Nghe theo lời con gái, cụ Trần Danh Văn đưa vợ con trở về quê Thọ Lập - Xuân Tín, để lại người con trưởng là ông Trần Danh Khoắt sinh cơ lập nghiệp ở Thọ Lập.

Cụ tổ cùng vợ và bốn người con trai về Xuân Tín, lo tu sửa mồ mả tổ tiên và xây dựng nhà thờ cúng bái. Nhờ vậy, con cháu đời sau ngày càng phát triển và thịnh vượng.

4. Nối lại quan hệ anh em

Theo lời kể của các cụ đời 9, đời 10, vào khoảng năm 1930, ngảnh họ ở Xuân Tín có hai cụ là Cụ Mà và Cụ Lịch đã một lần vào Hà Tĩnh thăm họ đại tôn. Khi đó, phương tiện đi lại khó khăn, hai cụ phải đi bộ xuyên rừng, trèo đèo, lội suối để tìm đến họ hàng. Tuy nhiên, nguồn tin này chưa chắc chắn vì ít người biết đến câu chuyện.

Vào khoảng năm 1940, ông Trịnh Văn Thắng (họ Trịnh Văn) ở Xuân Tín được phong thất phẩm thời phong kiến. Khi đi công tác đến làng Mộc Hải, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, ông phát hiện nơi đây có một dòng họ Trần Danh. Sau khi tìm hiểu rõ, ông biết được họ này cùng nguồn gốc với bên ngoại của vợ mình - họ Trần Danh ở làng Chỉ Tín. Ông liền viết thư báo tin cho ông Trần Danh Hoạt (tức ông Lý Mọc), người thuộc ngảnh 3 họ Trần Danh và đang làm lý trưởng lúc bấy giờ.

Ông Hoạt sau đó đã viết thư thăm hỏi và trao đổi về việc nối lại quan hệ anh em sau nhiều năm xa cách. Đến năm 1957, ngảnh họ Xuân Tín đã cử ba ông vào thăm họ đại tôn lần đầu tiên, gồm:

  1. Ông Trần Danh Đạm - Đời 9, Chi 3

  2. Ông Trần Danh Khoái - Đời 10, Chi 1

  3. Ông Trần Danh Muôn - Đời 11, Chi 3

Từ đó đến nay, anh em hai bên đã có nhiều lần cử người qua lại thăm viếng, thắt chặt tình thân với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ. Mỗi lần bác Thăng (ngảnh họ đại tôn) ra thăm ngảnh họ ở Xuân Tín đều đại diện dòng họ đến gặp gia đình ông Trịnh Văn Tương (xóm 21), con ông Thắng, để cảm ơn và ghi lưu niệm vào sổ tay của gia đình.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập 0
  • Máy chủ tìm kiếm 73
  • Khách viếng thăm 580
  • Hôm nay 653
  • Tháng hiện tại 15,792
  • Tổng lượt truy cập 66,188
Đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây