Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây

Nhà thờ họ Trần Danh ở Hà Tĩnh - Nơi giáo dục con cháu và nhân dân truyền thống hiếu học

2025-02-11 15:04:00

Dòng họ Trần Danh có mặt sớm ở đất Thạch Hà từ thời Tiền Lê, là dân bản địa của vùng quê Thạch Hà với lịch sử tồn tại, phát triển trên 1.000 năm và đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nên vùng đất văn vật, có truyền thống hiếu học, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái. Năm 2011, Nhà thờ họ Trần Danh được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh trong niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào của cấp uỷ, chính quyền và mỗi một người con.

Nhà thờ họ Trần Danh tọa lạc trên diện tích gần 500m2 tại Tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà. 

Theo phả hệ, dòng họ Trần Danh ở làng Ngọc Điền xưa; dựa vào bài văn tế của họ, giai thoại truyền miệng của các vị cao niên: Tổ tiên dòng họ Trần Danh quê Thanh Hóa đã vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất Thạch Hà ngày nay. Có một người là con cháu tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn vào lánh nạn ở Thanh Hóa làm nghề đóng cối xay, đêm nằm chiêm bao thấy có người bảo hãy đi về phía Nam, nơi sông có nhiều đá, dễ làm ăn. Nghe vậy, người đóng cối xay này quảy gánh đi theo, qua nhiều vùng quê, rồi định cư tại làng Ngọc Lũy (hai làng Ngọc Điền và Ngọc Lũy xen cư, xen canh với nhau) và sinh hạ ra Đức Thủy tổ Trần Tĩnh.

Căn cứ vào lịch sử, điểm tụ cư của vùng đất Ngọc Điền có từ cuối đời Trần đầu đời Lê, đến thế kỷ XVI, dân nơi đây mới bắt đầu đông đúc, làm ăn thịnh vượng. Nếu tính từ vị thủy tổ là ông Trần Tĩnh, đến nay, dòng họ Trần Danh tồn tại trên địa bàn thị trấn Thạch Hà ít nhất cũng gần 600 năm và đã góp một phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển của mảnh đất này. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, vùng đất Thạch Hà xưa có 10 dòng họ chính và về nét văn hoá, nhân dân xếp thứ tự: Trần, Hoàng, Phan, Đậu, Nguyễn, Trương, Lê,… Họ Trần Danh có nhiều Khoa bảng nhất, trong đó tiêu biểu phải kể đến: Đức Thủy tổ Trần Tĩnh, Tiến sỹ Trần Danh Tố, Trần Duy, Trần Hậu, Trần Danh Tuấn, Trần Danh Di, Trần Phương Bính.

Sau nhiều lần xây dựng và bị đập phá, đến năm 1990 - 1991, nhà thờ được trùng tu, tôn tạo lại, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của con cháu dòng họ. Năm 2009, tiếp tục cải tạo nhà thờ, với kinh phí 200 triệu đồng và đến cuối năm 2021, nâng cấp thêm bái đường, khuôn viên và các công trình phụ trợ khác, giá trị đầu tư ước tính 500 triệu đồng. Đặc biệt, một số con cháu dòng họ tự nguyện mua và hiến 300m2 để mở rộng khuôn viên nhà thờ.

Hiện nay, nhà thờ là một trong những công trình kiến trúc đẹp và hết sức linh thiêng, toạ lạc trên diện tích 500m2 tại Tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hai bên cổng nhà thờ xây 2 cột nanh; trên cùng của 2 cột nanh có Nghê chầu; mặt trước 2 cột nanh có khắc câu đối bằng chữ Hán: “Tổ đường bách thế hương hoa tại. Trần tộc thiên thu phúc lộc trường”. Nghĩa là: “Nhà thờ của dòng họ trăm năm thờ tự hương hoa. Gia tộc họ Trần nghìn đời phúc lộc vững bền”.

Có tắc môn, làm theo kiểu tương đối hiện đại. Hai bên tắc môn đổ 2 cột trụ, trên cột trụ đặt Nghê chầu, mặt trước cột trụ khắc câu đối: “Đức thừa tiên tổ thiên niên vĩnh. Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh.” Nghĩa là: “Đức tiên tổ để lại nghìn năm còn mãi. Phúc ấm con cháu muôn đời vinh hoa”. Phía sau tắc môn là hình một con rùa, lưng đội một tấm bia ghi lại công lao của bậc tiền bối dòng họ Trần Danh đối với đất nước và thành tích trong học hành khoa bảng thời kỳ phong kiến. Qua tắc môn, bên trái xây ban thờ ngoài trời để cúng trời đất, được đặt trên một trụ hình chữ nhật, mặt trước chân trụ khắc nổi dòng chữ: “Thiên địa nhân hòa”.

Phía sau tắc môn là hình con rùa, lưng đội tấm bia ghi lại công lao của bậc tiền bối dòng họ Trần Danh đối với đất nước và thành tích trong học hành khoa bảng thời kỳ phong kiến. 

Phía trong cùng là nhà thờ, làm theo kiểu chữ Nhất, mặt hướng về phía Bắc, gồm 3 gian, 4 mái. Mái nhà lợp bằng ngói mũi hài, 4 góc mái uốn ngược đầu đao, trên đầu đao gắn hình hoa văn cách điệu; chính giữa 2 mái nhà, đắp nổi hình “Lưỡng Long chầu Nguyệt”. Trên cùng của mái hiên đắp nổi hình bức cuốn thư đang mở ra, chính giữa cuốn thư khắc chữ: “Trần Danh tộc từ đường”. Ở trước hiên nhà đổ 4 cột trụ để đỡ lấy phần mái trước gian nhà. Để tăng thêm phần linh thiêng của nhà thờ, người ta đắp nổi hình 2 con rồng quấn quanh thân cột từ trên xuống dưới. 4 chiếc cột đều có hình con rùa - một sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc hiện đại với các con vật linh thiêng (Long, Ly, Quy, Phượng) thường gắn với công trình kiến trúc xưa.

Mặt trước nhà thờ trổ 3 cửa để vào, ra. Trong nhà thờ bài trí đẹp, gian giữa: Bàn thờ bố trí theo chiều dọc của ngôi nhà, chia thành 4 cấp. Treo ở chỗ cao và sâu nhất của gian thờ chính là bức đại tự “Sơn son thiếp vàng” bằng gỗ khắc 3 chữ: “Đức lưu quang”. Hai bên bức đại tự khắc nổi câu đối: “Nghĩa khí nhất xang hà hữu thạch. Phương danh thiên cổ đẩu chi nam”.

Trong nhà thờ bài trí hợp lý, theo phong tục, truyền thống địa phương. 

Phía ngoài cùng của gian thờ giữa xây một chiếc hương án bằng xi măng. Mặt trước chiếc hương án có đắp nổi mặt hổ phù. Trên bàn thờ và hương án đặt nhiều đồ thờ như: Long ngai, bài vị, đỉnh hương, hạc đồng, lư hương cùng một số đồ thờ tự khác. Gian thờ chính giữa là nơi thờ Đức Thủy tổ Trần Tĩnh, Trần Danh Tố, Trần Phương Bính và các vị đức tổ khác.

Bàn thờ 2 bên trái và phải bố trí theo chiều dọc của ngôi nhà. Mỗi bên xây một bàn thờ chia làm 3 cấp. Ngoài cùng xây hương án. Trên bàn thờ và hương án ở 2 gian trái và phải đều sắp xếp đồ thờ giống nhau, gồm: Lư hương, cọc nến, hạc đồng, long ngai. Hai gian thờ này thờ các bậc tiền bối, những người con dòng họ Trần Danh có cống hiến cho quê hương, đất nước.

Nhà thờ là một công trình kiến trúc đẹp và hết sức linh thiêng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, họ Trần Danh có khoảng 2/3 gia đình có con em nhập ngũ là Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên các chiến trường; hơn 1/3 thương binh, thân nhân liệt sỹ, tiền khởi nghĩa, người có công với cách mạng. Hiện tại, dòng họ có 150 hộ, với gần 300 nhân khẩu (độ tuổi từ 18 đến trên 90 tuổi), sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối, ngày nay, con, cháu, dâu, rể nội, ngoại của họ Trần Danh và người dân thị trấn Thạch Hà có nhiều người đậu đạt Tiến sỹ, PGS-TS, Thạc sỹ, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Nhà giáo ưu tú, Đại tá,… công tác trong nhiều cơ quan Nhà nước, ngước ngoài và doanh nhân, mô hình kinh tế tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Nổi bật như: Thạch sỹ Trần Danh Tuấn - Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá); Tiến sỹ Tin học Trần Danh Nam - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Việt Nam; PGS-TS Toán học Trần Danh Hương, giảng viên trường Đại học Công nghệ Bang Têxdas Hoa Kỳ;… Họ đóng góp lớn công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương như: xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, làm nhà văn hoá, đường giao thông, kênh mương, hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, ủng hộ Covid-19, thiên tai bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo,…

Nhà thờ nằm cạnh Nhà văn hoá Tổ dân phố 6 - nơi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Con cháu dòng họ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, tiên phong, gương mẫu trong công cuộc chỉnh trang đô thị văn minh, góp phần cùng địa phương đảm bảo an sinh xã hội.

Quỹ khuyến học của dòng họ thành lập năm 2009, đến nay vẫn duy trì đều đặn và hoạt động hiệu quả. Từ nguồn ủng hộ của con cháu và doanh nghiệp, mạnh thường quân đã tặng quà cho những học sinh đạt thành tích cao trong học tập nhân dịp lễ tế tổ đầu năm. Có trên 10 gia đình thường xuyên theo dõi, quan tâm, hỗ trợ động viên cả vật chất lẫn tinh thần cho các hoạt động của dòng họ.

Ngày 16/9/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3005/QĐ-UBND công nhận Nhà thờ họ Trần Danh là Di tích LS-VH cấp tỉnh.

Di tích nhà thờ họ Trần Danh là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà khoa bảng; cán bộ, đảng viên những năm 1930 - 1931; chiến sỹ cách mạng, anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là nơi giáo dục cho con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương về truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông đi trước. Giúp con cháu luôn hướng về cội nguồn tiên tổ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam./.

Một số hình ảnh liên quan: 


Nguồn : https://thachha.hatinh.gov.vn/portal/pages/2023-10-23/Nha-tho-ho-Tran-Danh--Noi-giao-duc-con-chau-va-nha-471681.aspx

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập 0
  • Máy chủ tìm kiếm 154
  • Khách viếng thăm 271
  • Hôm nay 425
  • Tháng hiện tại 11,203
  • Tổng lượt truy cập 102,494
Đăng nhập
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site